Hà Nội đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công 2 tuyến metro, 2 cầu vượt sông Hồng

Để tăng tốc đầu tư công 2 năm còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn, Hà Nội phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch thành phố giao trong hai năm 2024-2025, cao hơn đáng kể thời gian đầu. Cũng trong thời gian này, phấn đấu đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư 4 dự án giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư 141.636 tỷ đồng...

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND chỉ đạo các đơn vị thúc đẩy triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, năm 2025 và các công trình trọng điểm của thành phố.

GIẢI NGÂN CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM CHẬM HƠN TỐC ĐỘ CHUNG

Tổng nguồn kế hoạch 5 năm của toàn thành phố đến nay là: 340.153 tỷ đồng, gồm: cấp thành phố 254.316 tỷ đồng; cấp huyện là 85.837 tỷ đồng. Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố, hiện đã bố trí vốn từ năm 2021-2024 đạt 144.878 tỷ đồng (57% kế hoạch trung hạn). Như vậy, còn phải bố trí từ nay đến hết năm 2025 là 109.437 tỷ đồng (43% kế hoạch trung hạn). Các quận, huyện, thị xã giao kế hoạch trung hạn cao hơn nhiều so với thành phố giao, đặc biệt là nguồn thu từ tiền sử dụng đất.

Theo đánh giá của UBND TP. Hà Nội, kết quả giải ngân qua từng năm có tiến bộ. Theo đó, năm 2021 giải ngân 36.565 tỷ đồng (đạt 79,2% kế hoạch); năm 2022 là 45.315 tỷ đồng (đạt 87,8% kế hoạch); năm 2023 là 54.100 tỷ đồng (đạt 94,4% kế hoạch so thành phố giao và đạt 115,9% so với trung ương giao). 

Giải ngân năm 2024 đến ngày 31/03/2024 đạt 7.784 tỷ đồng, tương đương 9,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ và thành phố giao đầu năm.

UBND thành phố đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố ở mức cao nhất. Trong đó, phấn đấu tỷ lệ giải ngân các năm 2024, 2025 đạt tối thiểu 95% kế hoạch thành phố giao.

Cũng theo UBND TP. Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025, theo nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội triển khai 42 công trình trọng điểm thuộc 10 lĩnh vực. Trong đó, có 35 dự án sử dụng vốn ngân sách, 1 dự án đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác - công tư), 6 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai các công trình trọng điểm chậm, kế hoạch vốn còn phải bố trí lớn (31.833 tỷ đồng; bằng 64% kế hoạch vốn bố trí cho giai đoạn 2021 - 2024 là 49.822 tỷ đồng). 

Đến thời điểm này, các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã có 1 dự án hoàn thành là cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; 15 dự án đang triển khai thực hiện; 13 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt dự án; 6 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, đang tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

"Lũy kế vốn bố trí cho giai đoạn 2021-2024 là 49.822 tỷ đồng. Kết quả giải ngân thấp hơn mức trung bình của thành phố (giai đoạn 2021-2023 đạt 70,8%)", lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đánh giá.

Đối với 1 dự án sử dụng vốn PPP, tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở đã hoàn thành năm 2022.

Còn 6 dự án xã hội hóa, có 01 dự án (Khu công nghiệp Sóc Sơn) đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư; 03 dự án đã được UBND thành phố quyết định chủ trương đầu tư; 01 dự án (Nhà hát Opera và Khu văn hóa đa năng Quảng An) đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt chủ trương đầu tư; 01 dự án (Xây dựng hạ tầng Khu công viên phần mềm) chưa có hồ sơ đề xuất.

VƯỚNG MẮC CẢN TIẾN ĐỘ CÁC DỰ ÁN GIAO THÔNG QUAN TRỌNG

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021 - 2025, để hoàn thành kế hoạch trung hạn, khối lượng công việc phải triển khai từ nay đến hết năm 2025 còn nhiều, từ công tác chuẩn bị đầu tư đến triển khai thực hiện các dự án.

Cụ thể, 65 dự án đã được dự kiến nguồn vốn để triển khai nhưng đến nay chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư; 178 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt dự án. Cùng với đó, kết quả giải ngân các dự án cấp thành phố chưa cao, nhiều công trình chậm tiến độ đặc biệt là các công trình trọng điểm, nhiều dự án còn khó khăn, vướng mắc.

Về các dự án cấp thành phố trong lĩnh vực giao thông, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội triển khai 242 dự án với kế hoạch vốn trên 124.000 tỷ đồng, chiếm 61,8% tổng vốn bố trí cho mọi lĩnh vực. Trong đó, 53 đã hoàn thành, hiện thành phố đang triển khai 143 dự án. Còn lại 46 dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư và chưa phê duyệt dự án.

Hà Nội đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công 2 tuyến metro, 2 cầu vượt sông Hồng - Ảnh 1

Đáng chú ý, trong năm 2024, thành phố phấn đấu khởi công dự án cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng; cầu Trần Hưng Đạo (dự kiến tổng mức đầu tư 16.100 tỷ đồng) vào quý 4/2024. Đồng thời, cố gắng phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) để khởi công năm 2026.

Về việc chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3.2, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai dự kiến trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định năm 2025. Đây đều là các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp.

Liên quan đến các vướng mắc dự án giao thông trọng điểm đang triển khai, theo UBND TP. Hà Nội, với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP. Hà Nội hiện còn 13 hộ phường Giảng Võ kiên quyết không cho đo đạc kiểm đếm. Cùng với đó, 78 hộ phường Giảng Võ chưa xác nhận được nguồn gốc đất; 1.276 phương án giải phóng mặt bằng chưa được phê duyệt, còn 167 hộ đã phê duyệt nhưng không nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng; 317 hộ đã nhận tiền, nhận nhà nhưng chưa bàn giao mặt bằng.

Bên cạnh đó, 124 căn tái định cư sở xây dựng chưa trình UBND thành phố và 62 căn tái định cư sở xây dựng chưa điều chỉnh đơn vị nhận tiền.

Với dự án đường sắt đô thị tuyến 3.1, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, hiệp định vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chưa hoàn tất thủ tục gia hạn. Vướng mắc trong quá trình nghiệm thu hoàn thành đoạn trên cao do chưa thống nhất phương án liên quan đến đào tạo, bàn giao. Bên cạnh đó, vướng mắc do chưa có định mức đơn giá đối với các hạng mục, thiết bị đường sắt đô thị, các điều khoản Hợp đồng FIDIC chưa phù hợp với quy định Việt Nam.

Với dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, dự án chưa đi vào thực hiện do đang điều chỉnh chủ trương đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố hoàn thiện các nội dung giải trình theo yêu cầu. Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng chưa thực hiện xong.

Với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, hiện còn lại khoảng 21,02 ha (13,25 ha đất ở, 925/1.125 hộ; 7,77 ha đất nông nghiệp), đất bổ sung của các hạng mục cải mương, vuốt nối, di chuyển cột điện cao thế chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng; 259 mộ chí chưa di chuyển. Các địa phương đang tiến hành xây dựng các khu tái định cư nhưng chưa hoàn thành xong.

Hiện tại, công tác di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật của các địa phương thực hiện còn chậm, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác triển khai thi công. Hạng mục di chuyển điện cao thế từ 110KV đến 500kV có khối lượng vật tư thu hồi là rất lớn (40 cột cao thế, hơn 40.000m dây và các phụ kiện kèm theo) nhưng chưa có hướng dẫn việc xử lý vật tư thu hồi đảm bảo đúng quy định

Vì vậy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư chủ động, khẩn trương làm việc với các sở, ngành liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hoàn thiện hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định tại kỳ họp HĐND TP. Hà Nội tháng 7/2024.

Đối với các dự án đang triển khai cần phải đẩy nhanh tiến độ. Đối với các dự án còn khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, trường hợp không bảo đảm tiến độ phải chủ động báo cáo UBND TP. Hà Nội từ sớm để có chỉ đạo và điều hành nguồn vốn phù hợp...

Link bài viết: https://vneconomy.vn/ha-noi-day-nhanh-thu-tuc-chuan-bi-dau-tu-som-khoi-cong-2-tuyen-metro-2-cau-vuot-song-hong.htm
Tác giả: Ánh Tuyết

Read more